Bác sĩ dinh dưỡng mách cách ăn đồ nướng không lo độc hại vào người
Hương thơm và mùi vị đậm đà của món nướng thật sự hấp dẫn, khiến cho thực khách khó lòng bỏ qua nhất là vào mùa đông.
Là một fan yêu thích các món ăn nướng, chị Nguyễn Thu Phương (32 tuổi ở Tây Mỗ, Hà Nội) cho hay: “Những miếng thịt nướng lên thơm phức khó lòng bỏ qua. Tôi biết là ăn nhiều sẽ có hại nhưng khi ăn lại không thể dừng được miệng”.
Chị Phương cho biết, mỗi khi gia đình có cơ hội tụ tập vẫn thường làm các món nướng vừa đơn giản, không tốn nhiều công sức mà mọi người đều dễ lai rai.
Chị Thiên Hương (28 tuổi, Cầu Giấy) cũng rất thích ăn thịt nướng. Dù nghe nhiều người nói nhưng chị Hương không hiểu rõ tác hại thực sự của món ăn này về lâu dài như thế nào.
Tuy nhiên, theo lời chị Hương, mỗi lần sau khi ăn đồ nướng thường bị đầy bụng, thậm chí tiêu chảy. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do đồ nướng chứa chất béo, gây ra sự nặng nề cho tiêu hóa và tác động đến quá trình hoạt động của dạ dày.
Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt nướng là món ăn ngon mà nhiều người ưu thích, giàu chất đạm. Tuy nhiên, khi thịt nướng ở nhiệt độ cao, các chất đạm sẽ khó tiêu hơn dẫn đến đầy bụng, có cảm giác ậm ạch sau khi ăn.
Nên ăn kèm thịt nướng với rau xanh.
“Ở nhiệt độ cao, các chất béo trở thành chất không tốt cho tim mạch. Người ăn nhiều thịt nướng và thường xuyên có thể dẫn tới mỡ máu cao. Một số chất sinh ra khi nướng kết hợp với khói và chất đạm có thể là nguyên nhân tác động xấu dẫn tới một số bệnh (tim mạch, xương khớp), ăn nhiều có thể gây ra ung thư”, PGS.BS Nguyễn Thị Lâm nói.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho hay, khi nướng thịt ở nhiệt độ cao sinh ra nhiều sản phẩm hữu cơ cháy dở.
Trong đó, các sản phẩm cháy dở của chất béo tạo ra những chất các bon hóa chưa thành than và sản phẩm cốc hóa dở, những chất hữu cơ giàu các bon ít Hiđro (H2). Trong số những sản phẩm trên có chất gây hại cho cơ thể, có khả năng gây ung thư như: khí độc PHA (polycyclic aromatic hydrocarbon), chất này có thể bám vào thức ăn qua khói bốc lên.
Một phản ứng khác có thể xảy ra giữa mỡ (thịt lợn ba chỉ) và creatine, axit amino có trong protein của thịt, sinh ra nhiều chất độc khác, trong đó có HCA (heterocyclic amine).
Ăn thịt nướng thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, để hạn chế những chất độc hại của thịt nướng cần phải có kỹ thuật nướng tốt.
"Chỉ nướng thịt trên than hồng khi đã hết khói, nướng thịt nhanh ở nhiệt độ vừa phải, không nên nướng ở nhiệt độ quá cao. Khi ăn thịt nướng nên ăn kèm với các loại rau xanh để tăng cường các chất chống oxy hóa giảm được những nhược điểm do thịt nướng gây ra. Không ăn phần thịt nướng bị cháy hoặc nướng quá khô", bác sĩ Lâm nhấn mạnh.
Về lượng ăn mỗi tuần, bác sĩ Lâm khuyên: “Thịt nướng là món ăn rất ngon miệng nhưng chỉ nên ăn từ 1-2 lần/tuần, không nên ăn hàng ngày. Theo tôi, tốt nhất chỉ nên ăn 1 lần/tuần với số lượng vừa phải khoảng 100g thịt/lần. Những người có tiền sử bệnh đau dạ dày không nên ăn thịt nướng vì thịt nướng khó tiêu. Người già cũng như người có vấn đề tim mạch mỡ máu cao, tăng huyết áp… cũng cần hạn chế ăn thịt nướng”.
Theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Hồng Côn, hiện nay, có rất nhiều thiết bị nướng như: nướng bằng điện, ga, than, cồn, than củi. Trong đó, nướng trên than củi cháy hồng và cồn là hai cách nướng nhiệt độ thấp, ít sinh ra độc tố hơn.
Khi thịt nướng bị cháy nên cắt bỏ phần cháy hoặc không ăn những miếng thịt cháy đó.Thời gian nướng ngắn vừa đủ để thịt chín, vệ sinh dụng cụ nướng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.