Với kỹ thuật Longo không chỉ cắt đứt cuống mạch, điều trị triệt để không cho trĩ tái phát mà còn sửa chữa được sa niêm mạc. Điều đặc biệt của phương pháp này là bệnh nhân đỡ đau đớn.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, chủ tịch hội Hậu môn trực tràng học VN, giám đốc Trung tâm Hậu môn học, Bệnh viện Tràng An cho biết, trĩ là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, khoảng 50% dân số mắc bệnh trĩ cần được điều trị. Tuy nhiên, mọi người thường rất ngại đi khám và điều trị vì lý do tế nhị và chỉ đi khám khi trĩ đã bị biến chứng chảy máu chảy nhiều (máu chảy thành giọt hay thành tia mỗi khi đi cầu hoặc mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy, có khi máu rất nhiều bắt bệnh nhân phải vào cấp cứu) hoặc khi búi trĩ đã bị sa nằm bên ngoài hậu môn không thể nhét vào được... Điều trị trĩ có nhiều phương pháp như nội khoa, vật lý nhưng phẫu thuật là thủ thuật điều trị có hiệu quả nhất, tiệt căn nhất, nhưng người bệnh thường rất ngại tiến hành vì đau sau mổ. Người ta đã bỏ phương pháp thắt trĩ thời cổ - rất đau vì thắt cả vào da, cả vào vùng nhạy cảm của ống hậu môn. Các phẫu thuật được sử dụng rộng rãi hiện nay là Milligan - Morgan, Whitehead và những kỹ thuật cải tiến. Nhiều phương pháp, nhiều sáng kiến được đề xuất để giảm đau. Lý do chính của đau là do vết mổ nằm ngay ở vùng lược (pecten) da cạnh hậu môn - là những vùng rất nhạy cảm, vết thương thường được để hở, khâu kín một phần - hoặc khâu kín toàn bộ nhưng tỷ lệ bục chỗ khâu cũng không phải là ít. Thêm vào đó là vai trò kích thích nhiễm khuẩn do phân, dịch ruột thường xuyên đi qua cũng như yếu tố co thắt của cơ tròn.
Gần đây, phương pháp mổ trĩ Longo đã được đưa vào áp dụng tại Việt Nam. Hiện phương pháp này đang được thực hiện tại: bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Tràng An... Khác hẳn với các phương pháp cổ điển, trước đây là cắt bên mép hậu môn và lấy trĩ khiến vết thương rất đau và lâu liền (thường mất khoảng 8 - 12 tuần), phương pháp này là cắt và khâu bằng máy ở bên trong lỗ hậu môn (phẫu thuật nội soi khâu vòng bằng máy bấm. Nguyên tắc của phẫu thuật này là cắt và khâu khoanh niêm mạc, nhằm mục đích giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ để thu nhỏ thể tích trĩ và treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn. Chỉ sau 20 - 30 phút đã điều trị xong toàn bộ trĩ với hai triệu chứng chủ yếu là chảy máu và sa búi trĩ mà không có vết thương nên bệnh nhân ít đau (giảm từ 10 xuống còn 1 - 2), bệnh nhân chóng hồi phục và có thể quay lại làm việc luôn sau 5 - 10 ngày. Từ 2004 đến nay, Khoa Ngoại – Trung tâm Hậu môn Trực tràng Bệnh viện Tràng An đã phẫu thuật cho hơn 7500 trường hợp. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật còn cao, từ 14 - 16 triệu đồng (thiết bị của Trung Quốc) và 18 - 20 triệu đồng (thiết bị của Anh, Mỹ).
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, với phương pháp này tỷ lệ tái phát thấp 5 - 7% sau 5 - 10 năm. Nó đặc biệt thích hợp với các loại trĩ có biến chứng độ 3 và 4, trĩ nội lớn, trĩ vòng... Tuy nhiên, đối với các trường hợp trĩ ngoại nhiều và to thì phải tùy thuộc vào từng đối tượng. Khi thực hiện phẫu thuật rất đơn giản, có thể thực hiện được trên cả các bệnh nhân bị huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng... ổn định. Bệnh nhân chỉ cần làm một vài xét nghiệm cơ bản để xác định không có bệnh thông thường trong giai đoạn cấp tính. Bác sĩ sẽ gây tê tủy sống hoặc gây tê khoang cùng và sau khoảng 30 phút là bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Nhâm cảnh báo, trĩ có thể là bệnh, có thể là triệu chứng của một bệnh khác. Chỉ được phẫu thuật khi là trĩ bệnh. Có thể trĩ là triệu chứng của ung thư trực tràng, có thể là ung thư trực tràng xuất hiện trên một bệnh nhân có trĩ đã lâu. Vì vậy, trước khi mổ phải khẳng định không có các thương tổn thực thể khác ở vùng hậu môn trực tràng. Sau khi mổ xong, cần lao động nhẹ nhàng trong vòng 1 tháng, không được ngồi xổm, không chạy nhảy hay mang vác nặng, vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi đại tiện cần rửa sạch và rửa lại hậu môn trong nước ấm pha thuốc sát trùng. Đặc biệt, cần vệ sinh ăn uống, tuyệt đối không ăn đồ nếp, thịt chó, rau muống, thức ăn nhiều gia vị, thịt gà, khoai lang... khi mới mổ xong.
Cách ngăn chặn bệnh trĩ
- Tập thói quen đại tiện đều đặn hàng ngày.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, chè. Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu; Uống nước đầy đủ; Ăn nhiều chất xơ.
- Vận động thể lực: nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ...
- Điều trị các bệnh mãn tính hiện có như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ...
Bài viết liên quan