Toạ đàm khoa học “ Các điều kiện mở ngành đào tạo cử nhân ngôn ngữ Nhật – Hàn”
Để phát triển các chương trình đào tạo, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã có nhiều nỗ lực trong việc chuẩn bị các điều kiện để được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở các chương trình đào tạo, trong đó có các hoạt động nghiên cứu, khảo sát nhu cầu đào tạo và khả năng thu hút các nguồn lực đào tạo từ các đối tác trong và ngoài nước. Sáng ngày 26/04/2023 Nhà trường đã tổ chức tọa đàm “Các điều kiện mở ngành Đào tạo Cử nhân ngôn ngữ Nhật- Hàn”.
Tham dự buổi tọa đàm:
Về phía Nhà trường: PGS.TS. Nguyễn Xuân Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Việt Trung – Phó CN bộ môn Ngôn ngữ Hàn – Nhật; TS. Nguyễn Thị Khánh Vân – Phó CN bộ môn Ngôn ngữ Hàn – Nhật; ThS. Hoàng Thị Kim Oanh – Phó trưởng phòng Đào tạo.
Về phía khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo ở các trường đại học, các tổ chức trong nước:
PGS.TS Nguyễn Văn Hảo – Giám đốc Trung tâm tiếng Nhật Đông Đô – Nguyên Trưởng khoa tiếng Nhật ĐH Ngoại thương; PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Vinh – Ngôn ngữ Nhật trường ĐH Ngoại thương;
Học viện Ngân hàng: TS. Nguyễn Thị Thanh Tân – Ngôn ngữ Nhật;
Đại học Quốc Gia: ThS. Phạm Nha Trang, Giảng viên tiếng Nhật;
Đại học Phenikaa: PGS.TS. Đỗ Hoàng Ngân, Phó Trưởng khoa tiếng Nhật; ThS. Giang Thị Thanh Nhã, Giảng viên khoa tiếng Nhật;
Đại học FPT: TS.Tạ Thanh Huyền, Giảng viên tiếng Nhật;
Đại học Thăng Long: ThS. Đặng Thị Minh, Giảng viên tiếng Nhật;
Đại học Đại Nam: TS. Lã Thị Thanh Mai, Phó Trưởng khoa tiếng Hàn;
Đại học CMC: TS. Hoàng Thị Yến, Giảng viên tiếng Hàn;
Đại diện cán bộ Ban tổ chức Trung Ương: ThS. Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Ban Tổ chức Trung ương;
Cán bộ Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á - Ban đối ngoại Trung ương: ThS. Ngô Thị Thảo; ThS. Ngô Thu Hằng;
Ban Dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo: TS. Nguyễn Ngọc Huy;
Giám đốc chi nhánh Việt Nam Công ty Upraise-Nhật Bản: Nguyễn Quang Tùng;
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn khẳng định nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Nhà trường là: “Tăng cường và nâng cao về chất lượng đào tạo, tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới”, vì vậy Nhà trường rất mong muốn được lắng nghe ý kiến tư vấn của các đại biểu về nội dung chính của hôm nay về các điều kiện mở ngành cử nhân Nhật – Hàn, nhằm đảm bảo sự thành công cả về chất lượng và đầu ra của mã ngành mà người học sẽ lựa chọn trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn-Hiệu trưởng Nhà trường
Một số phát biểu tại tọa đàm:
PGS.TS. Đỗ Hoàng Ngân – Phó trưởng khoa tiếng Nhật của trường Đại học Phenikaa phát biểu “Tiếng Nhật là một loại ngôn ngữ khó, nhưng nếu sinh viên có sự chăm chỉ học tập thì sẽ đạt được kết quả tốt. Hiện nay mối quan hệ Việt – Nhật rất tốt vì vậy có rất nhiều chương trình học bổng hỗ trợ học tập cũng như nhu cầu tuyển dụng đối với tiếng Nhật của các doanh nghiệp rất lớn. Vì vậy việc mở ngành ngôn ngữ Hàn – Nhật là rất hợp lý và đúng theo xu hướng của thị trường hiện nay.”
PGS.TS. Đỗ Hoàng Ngân – Phó trưởng khoa tiếng Nhật của trường Đại học Phenikaa
TS. Lê Việt Trung – Phó CN bộ môn ngôn ngữ Hàn – Nhật chỉ ra: “Tiếng Nhật là một loại ngôn ngữ khó, vì vậy việc tìm kiếm nguồn nhân lực giảng dạy tương đối khó khăn, Nhà trường nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và nguồn nhân lực từ các trường đại học khác.”
TS. Lê Việt Trung – Phó CN bộ môn ngôn ngữ Hàn – Nhật
TS. Lã Thị Thanh Mai – Phó trưởng khoa tiếng Hàn trường Đại học Đại Nam cũng nhấn mạnh: “Tiếng Hàn cũng là một loại ngoại ngữ khó, tuy nhiên cũng như tiếng Nhật, như cầu tuyển dụng vẫn rất cao, khả năng tuyển sinh cũng rất kỳ vọng trong những năm tới. Nhà trường nên hướng tới việc đào tạo theo định hướng ứng dụng cần bám sát nhu cầu tuyển dụng của thị trường, dựa vào đó để đưa ra những hướng đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn đầu ra ”
TS. Lã Thị Thanh Mai – Phó Trưởng khoa tiếng Hàn trường Đại học Đại Nam
PGS.TS. Nguyễn Văn Hảo - Giám đốc Trung tâm tiếng Nhật Đông Đô – Nguyên trưởng khoa tiếng Nhật ĐH Ngoại thương cũng nêu ra rằng: “Vì độ khó của hai thứ tiếng, trường Đại học cần điểu chỉnh chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, lựa chọn giáo trình đào tạo phù hợp với hệ thống giáo dục của Việt Nam. Việc mời chuyên gia, giảng viên về giảng dạy cũng cần tận dụng nguồn giảng viên người Việt đảm bảo chất lượng.”
PGS.TS. Nguyễn Văn Hảo - Giám đốc Trung tâm tiếng Nhật Đông Đô – Nguyên trưởng khoa tiếng Nhật ĐH Ngoại thương
Và rất nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự tọa đàm phân tích cụ thể về tình hình đào tạo ngành Nhật- Hàn trong nước hiện nay. Vấn đề đầu ra cũng được các đại biểu hết sức quan tâm trong việc đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, từ bối cảnh chung đó cùng với việc đánh giá những lợi thế của Nhà trường, để đưa ra hướng đi phù hợp trong việc mở ngành mới.
Nội dung đóng góp ý kiến xoay quanh 10 vấn đề nhà trường quan tâm:
+ Đánh giá về độ khó của ngôn ngữ Hàn – Nhật;
+ Nhu cầu học tiếng Hàn – Nhật trên thực tế;
+ Tỷ lệ chiêu sinh của ngành ngôn ngữ Hàn – Nhật của các trường Đại học;
+ Trình độ tuyển dụng của các công ty, cơ quan đối với ngôn ngữ Hàn – Nhật;
+ Kỹ năng cần chú trọng trong đào tạo ngôn ngữ Hàn – Nhật;
+ Khả năng mời giảng viên, chuyên gia về giảng dạy ngôn ngữ Hàn – Nhật;
+ Nguồn cung ứng giáo trình và tài liệu tham khảo ngôn ngữ Hàn – Nhật;
+ Đặc thù quản trị khoa ngôn ngữ Hàn – Nhật;
+ Khả năng tham gia công tác giảng giạy của các Đại biểu đến tham dự;
+ Nguồn giảng viên giảng dạy ngôn ngữ Hàn – Nhật đạt chất lượng
Cuối buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Sơn - Hiệu trưởng nhà Trường phát biểu và cảm ơn sự có mặt của Quý vị khách mời có trong buổi hôm nay, và tin chắc rằng, đây cơ hội tiếp cận, học hỏi trao đổi những kiến thức, những bài học vô cùng quý giá mà các trường đã mang lại cho ĐH Công Nghệ và Quản lý Hữu Nghị, đồng thời mong muốn sự hợp tác cùng các quý vị khách mời trong thời gian tới.
Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến đóng góp thiết thực phục vụ hữu ích cho việc “Các điều kiện mở ngành Đào tạo Cử nhân ngôn ngữ Nhật- Hàn”.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Nhà trường đã có những thông tin bổ ích trong việc đề xuất mở thêm mã ngành đào tạo Hàn- Nhật theo chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.